Hồ sơ tìm việc làm: 3332
Mạng tuyển dụng: Đăng tuyển dụng và tìm kiếm ứng viên miễn phí

Nhân viên ghét nhất bị đàn áp

22 tháng 4 2015
Những lời chỉ trích dai dẳng, các câu nhận xét cay nghiệt, sự ức hiếp và các hình thức hung bạo khác nơi công sở gây tổn hại cho nhân viên còn nặng nề hơn cả sự quấy rối tình dục
Nhân viên ghét nhất bị đàn áp
"Khi hành vi quấy rối tình dục ngày càng bị xã hội phản đối, các cơ quan tổ chức đã biết chú ý hơn để bảo vệ nạn nhân. Nhưng ngược lại, những hình thức tấn công vô hình khác, như xỉ nhục và hiếp đáp người khác thì lại không bị coi là bất hợp pháp và để mặc nạn nhân tự xoay sở đối phó", tác giả nghiên cứu M. Sandy Hershcovis tại Đại học Manitoba, Canada, cho biết.
Trong nghiên cứu của mình, Hershcovis và cộng sự đã tập hợp lại hơn 100 cuộc điều tra tiến hành trong 21 năm qua. Họ tìm thấy cả sự hiếp đáp nơi công sở và việc quấy rối tình dục đều tạo ra môi trường làm việc tiêu cực, hậu quả không tốt cho nhân viên. Nhưng sự hiếp đáp gây tác động nghiêm trọng hơn.
Cụ thể, so với những người bị quấy rối, những nhân viên bị đàn áp, xỉ nhục hay trù úm dễ bỏ việc hơn, tinh thần suy sụp, ít thỏa mãn với công việc và không hòa hợp với cấp trên. Ngoài ra, những nhân viên này cũng bị stress hơn, ít tận tâm với công việc và có mức độ giận dữ, lo lắng cao. "Sự đàn áp nơi công sở thường không rõ rệt và bao gồm những hành vi người khác không dễ phát hiện", Hershcovis nói. "Chẳng hạn, làm sao một nhân viên có thể báo cáo lại rằng họ đã bị loại khỏi bữa ăn trưa. Hay họ đang bị đồng nghiệp tẩy chay. Bản chất mập mờ của những hành vi này khiến người ta khó đưa ra biện pháp xử lý và kỷ luật".
Trong khi một số quốc gia như Thụy Điển và những nơi như Quebec, Saskatchewan đã ban hành một số quy định chống hiếp đáp nơi công sở, nhưng các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng hầu hết các nơi đều chưa có luật cụ thể cho hành vi này. Theo họ, cũng như sự quấy rối tình dục, việc đàn áp nơi công sở cần có một định nghĩa rõ ràng và chính sách kèm theo.
Theo VnExpress