Resume listings: 3332
Job search website: free job ads and resume access

Giữ chân người tài - "điệp vụ" bất khả thi?

April 16 2015
Về lâu dài, nạn chảy máu chất xám từ khu vực công sẽ khiến xã hội bị phân hóa thành 2 tốc độ phát triển: Một bên là nền kinh tế-xã hội đầy năng động và đang tăng tốc, một bên là bộ máy Nhà nước càng kém năng động hơn vì quá thiếu đội ngũ nhân sự có chất lượng. Nếu sự vênh nhau này không được cân bằng, thiệt hại sẽ không chỉ xảy ra đối với khu vực Nhà nước mà còn tác động xấu đến cả quá trình đổi mới và tăng trưởng nói chung.
Chảy máu chất xám và hệ quả nhìn thấy trước. Sự kiện 2 phó giám đốc cấp sở ở TP.HCM xin ra ngoài làm...thuê, tiếp đó là một vụ trưởng ở Ngân hàng Nhà nước xin thôi việc (năm 2007)... có thể nói là đỉnh điểm của hiện tượng chảy máu chất xám từ khu vực Nhà nước. Hiện tượng này cho thẩy rằng trong xã hội đã hình thành những quan niệm mới về sự  thành đạt. Thành đạt giờ đây không có nghĩa chỉ là được thăng quan tiến chức trong hệ thống các cơ quan hành chính-sự nghiệp của Nhà nước nữa.  Nó đã được xã hội đánh giá qua nhiều tiêu chí khác như: một môi trường làm việc tự do thông thoáng, thu nhập cao hay những công việc khiến con người có thể phát huy hết năng lực của mình. Kinh tế, tài chính-ngân hàng, công nghệ thông tin, truyền thông...  là những ngành mà nạn chảy máu chất xám đang diễn ra nghiêm trọng. Do sự tăng trưởng quá nhanh,  các doanh nghiệp trong những ngành này đang quyết liệt thu hút lao động có trình độ cao từ Nhà nước. Nếu không phải tất cả những người bỏ “công” sang “tư” đều là  những nhân tài thì ít ra họ phải là những người có năng lực thực thụ. Về lâu dài, nạn chảy máu chất xám từ khu vực công sẽ khiến xã hội bị phân hóa thành 2 tốc độ phát triển: Một bên là nền kinh tế-xã hội đầy năng động và đang tăng tốc, một bên là bộ máy Nhà nước càng kém năng động hơn vì quá thiếu đội ngũ nhân sự có chất lượng. Nếu sự vênh nhau này không được cân bằng, thiệt hại sẽ không chỉ xảy ra đối với khu vực Nhà nước mà còn tác động xấu đến cả quá trình đổi mới và tăng trưởng nói chung. Trong một số diễn đàn, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và nhiều Bộ trưởng đã coi hiện tượng chảy máu chất xám của khu vực công là bình thường và có lợi cho xã hội. Vấn đề là Nhà nước phải nhanh chóng cải cách chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ công chức-viên chức để giữ chân họ. Tuy nhiên phản ứng của các cơ quan có trách nhiệm là yếu ớt và chậm trễ. Theo Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn, hiện nay Bộ nội vụ mới đang cho điều tra để biết được chính xác thực trạng chảy máu chất xám từ khu vực Nhà nước. Còn đối với nhiều cơ quan Nhà nước cụ thể, mỗi khi nhận đơn xin chuyển công tác của một cán bộ nào đó, lãnh đạo đơn vị chỉ biết khuyên nhủ hoặc dọa kiện đòi bồi thường chi phí đào tạo hay cùng lắm là ra quyết định cho thôi việc... Đã có một số cơ quan, khu vực xin Chính phủ, Quốc hội  cho áp dụng cơ chế tài chính (trong đó có chế độ thu nhập cho người lao động) đặc thù, tuy vậy điều đó vẫn chưa đủ vì chưa có tính toàn diện và hệ thống.  “Điệp vụ” bất khả thi? Cải cách chế độ tiền lương, trước mắt là tăng lương, thu nhập cho công chức, viên chức được coi là một trong những giải pháp chủ yếu. Tuy vậy, tình trạng lạm phát như năm 2007 và hai tháng đầu năm nay khiến cho việc tăng lương như vừa qua hầu như không mang lại hiệu quả đáng kể. Ngân sách eo hẹp cũng không cho phép Nhà nước tăng lương cao đột ngột cho cả một hệ thống cán bộ, công chức, viên chức đang chiếm xấp xỉ 10% dân số. Cái khó của Việt nam hiện nay là Ngân sách công không chỉ phải nuôi đội ngũ công chức trong các cơ quan công quyền và các đơn vị sự nghiệp (mang tính công ích), nó còn phải gánh thêm cả việc trả lương cho rất nhiều đoàn thể chính trị-xã hội, hội nghề nghiệp,vv... Mặc dù vẫn tiếp tục cải cách, tinh giảm bộ máy nhưng số người ăn lương ngân sách chưa giảm là bao. Đi liền với việc tinh giảm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và các cơ quan hưởng lương ngân sách, điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường công việc minh bạch, ở đó năng lực của mỗi người được đánh giá chính xác, được sử dụng và được đãi ngộ xứng đáng. Nhưng người không đủ năng lực phải bị thải loại. Nếu nhìn vào hệ thống qui định về đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm hiện nay, có thể thấy là rất chi tiết và chặt chẽ. Tuy nhiên theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã  hội – Quốc hội khóa XII, thực tế lại cho thấy rất khó đẩy một cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy, trừ khi người đó bị kỷ luật (mắc lỗi nghiêm trọng) hoặc tự xin ra. Bên cạnh đó, việc tuyển được người có thực tài lại càng khó hơn. Ở đây vấn đề rõ ràng là nằm ở nhân tố con người. Nếu như người làm công tác xây dựng và thực thi chính sách chưa đủ tài và đủ tầm, thì làm sao họ có thể đánh giá, lựa chọn và sử dụng được người tài? Chính vì những lý do nêu trên, một cuộc cách mạng về nhân sự và thu nhập trong khu vực công rõ ràng rất khó thực hiện xong trong 1 nhiệm kỳ Chính phủ. Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, với sự bùng nổ về vốn đầu tư trong nước và nước ngoài như vài năm trở lại đây, nguy cơ thiếu hụt nhân lực trình độ cao đang lộ rõ, sẽ là thần kỳ nếu ngăn chặn được nạn chảy máu chất xám từ khu vực công, chưa nói gì đến kỳ vọng tạo ra dòng chảy ngược lại.
Theo Vietnamnetjobs